Thân thế và Sự Nghiệp

Gia đình Cô Tuyết Hồng có 8 chị em, 4 chị gái sanh trước (cô Bùi thị Tuyết Mai, Tuyết Hồng, Tuyết Hà, và Tuyết Vân) rồi mới đến 4 cậu em (chú Bùi Tuyết Sơn, Tuyết Hải, Tuyết Dương, và Tuyết Hùng). Từ thuở nhỏ Cô đã rất hoạt bát, giỏi ngoại ngữ và thích ngoại giao. Cô thân quen với hầu hết những gia đình vọng tộc tại Bạc Liêu (1).

Cô Tuyết Hồng và người chị cả là cô Bùi Thị Tuyết Mai được gia đình gửi lên Sài Gòn để theo học tại trường nữ sinh Áo Tím (sau đổi thành Gia Long). Cô rất dạn dĩ, lại hiểu biết rộng, nên khi vừa lên 15 tuổi, chưa thi lấy bằng Diplome, Cô đã tự nộp đơn lên bộ Giáo Dục xin du học tại Pháp (2).

Khi đặt chân đến Pháp, vì không có ai thân quen, Cô tự mình quán xuyến. Sau khi học xong Trung học và đậu Tú tài, Cô ghi danh theo học tại Đại học Montpellier và tốt nghiệp cử nhân văn chương vào năm 1959.

Sau 10 năm sống xa nhà (Cô rời VN vào năm 1949), ngay sau khi ra trường, Cô đã hồi hương và được bổ nhiệm vào dạy tại Petrus Ký dưới thời thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Trương (lúc bấy giờ giáo sư Trần Hữu Thế là Bộ Trưởng bộ Giáo Dục).

Cô Tuyết Hồng dạy học tại Petrus Ký chỉ ba năm (1959 – 62) nhưng Cô đã để lại nhiều ấn tượng thật sâu đậm với các bạn đồng nghiệp và trong lòng các học sinh trẻ lúc bấy giờ, nhất là các anh Lycée Petrus Ký (LPK) thuộc khóa 53 – 60 và 54 – 61.

Nhưng sau khi tôi thông báo tin buồn – “cô Tuyết Hồng đã từ trần vào ngày 5 tháng 12 năm 2009 tại thành phố Chedigny (Pháp quốc)” – dù tin đến trễ, các anh đã viết trả lời với những dòng tâm tình thật cảm động. Người đầu tiên viết cho tôi hỏi tin về Cô là anh Vương Gia Tòng (LPK 54-61, hiện cư ngụ tại Montréal):

Trước khi chấm dứt tiết mục “Tình Yêu của Những Cụ Học Trò Trên 70 Tuổi”, tôi cũng xin góp ý.

Cô Tuyết Hồng có nhiều đức tính, kể cả sự hồn nhiên của Cô, khiến Cô được nhiều học trò yêu quý, nhưng đức tính quan trọng nhất Cô có từ bẩm sinh là tính bình dị, sự vui vẻ hoạt bát, thích quen thiệp của Cô và tôi đoán Cô xem những học trò của Cô như những người em trai của Cô.

Năm 1964, cô Tuyết Hồng trở qua Pháp để tiếp tục việc học và hoàn tất chương trình Tiến Sĩ.

Khi trở về nước (1967-68), Cô đi dạy tại nhiều trường Ta, Tây, Tàu tại Sài Gòn. Trường Ta thì cô dạy tại Gia Long và Võ Trường Toản. Trường Tây thì cô dạy tại Taberd, Marie Curie, Jean Jacques Rousseau và Centre Culturel Francais Sài Gòn. Trường Tàu thì cô dạy tại trung học Bác Ái – Chợ Lớn (trường này có tên chính thức là Fraternité Saigon – Cholon). Cô dạy nhiều trường nhưng ngắn hạn và trên mạng, tôi chỉ tìm ra được tên cô trong Website của trung học Bác Ái – Chợ Lớn tại Paris (4). Tôi đang thắc mắc vì sao cô đang dạy tại Petrus Ký, lại nhảy qua dạy Gia Long, Võ Trường Toản, v.v. thì thầy Bùi Trọng Chương từ Irvine, Nam California gọi điện thoại cho tin:

Sau khi lấy bằng Tiến Sĩ tại Sorbonne, Cô trở về Việt Nam và không lâu sau đó, khoảng 1967 – 68, Cô lập gia đình với ông Frans van Dongen, Xử Lý Thường Vụ (Charge d’Affaires) của vương quốc Hòa Lan tại Việt Nam (5).

Theo tin tức báo chí Hoa Kỳ, vào ngày 1.11.1968, trong một cuộc pháo kích vào Sài Gòn, một quả đạn đại bác đã rơi trúng vào sứ quán Hoà Lan và hai vợ chồng cô đã thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc (6).

Thoáng nhớ về Đại sứ Frans van Dongen (??- 2010)

Những người đàn ông thành công, đa số đều vì họ có những người vợ tuyệt vời và các người đàn bà thành công cũng vì họ có những người chồng tuyệt chúng.

Đại sứ Hòa Lan (Netherlands) Frans van Dongen là người mang kính, ngồi ở góc mặt.

Hình chụp khi ông tham dự cuộc họp“loại trừ vũ khí” Conference on Disarmament tại Genevè, Thụy Sĩ vào ngày 7 2 198

Đại sứ Frans van Dongen là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp (career diplomat) của vương quốc Hòa Lan. Ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1951. Với tài ba và kinh nghiệm dồi dào về Đông Nam Á, ông đã đảm nhận chức vụ Đại sứ tại nhiều quốc gia trong vùng như Phi Luật Tân, Hồng Kông, Nam Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, Nam Dương, và cả Bangladesh, Thụy Sĩ, và Liên Hiệp Quốc. Trước khi về hưu, vào năm 1996, ông trở về làm việc cho bộ Nội Vụ của vương quốc Hòa Lan (Ministry of Home Affairs of the Netherlands) (7). Ngay cả sau khi đã về hưu, ông cũng còn nhiều thế lực trong guồng máy hành chánh của Hòa Lan. Năm 1999, ông đã đại diện chính quyền Hòa Lan viết lời chúc mừng 50 năm ngày thành lập của Rand Corporation, một tổ chức bất vụ lợi của Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu và phân tích về các vấn đề quan trọng như y tế, giáo dục, an ninh quốc gia, bang giao quốc tế, pháp luật, kinh doanh, môi trường, v.v. (8):

Những việc làm thiện nguyện cứu giúp thuyền nhân tị nạn

Nhắc về những việc làm thiện nguyện của cô Tuyết Hồng, chúng ta cũng nên ghi nhớ và cảm tạ lòng nhân ái của chồng Cô. Ông đã sát cánh hỗ trợ Cô trong những hoạt động giúp đỡ các người tị nạn Việt Nam. Một trong những nghĩa cử của đại sứ Van Dongen và Cô đã được ghi lại tại chùa Sikiew. Ngôi chùa này nằm trong trại tù. Trong danh sách những vị ân nhân cúng dường tam bảo, có tên Ông Bà (vợ chồng Cô Bùi thị Tuyết Hồng đứng hàng đầu” (9).

Đại sứ Van Dongen và Cô có hai người con, một trai, một gái, hiện đang sống tại Pháp (10). Sau khi về hưu, gia đình Cô dọn về thành phố Chedigny, Pháp quốc và hai vợ chồng Cô cùng qua đời tại nơi đây. Cô mất vào tháng 12, năm 2009 và chồng Cô qua đời vào năm 2010.

Người Đàn Bà Đảm Lược

Đọc những cảm nghĩ của các huynh trưởng Petrus Ký về Cô, tôi đoán cô Tuyết Hồng giỏi thể thao. Cô Tuyết Vân, em của Cô, vừa cho biết ngày xưa hai vợ chồng Cô là hội viên của Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Le Cercle Sportif Saïgonais – CSS mà người Sài Gòn gọi tắt là câu lạc bộ “Xẹt quờ”) tại Jardin Maurice Long hay vườn Tao Đàn. Cô thích bơi lội. Có thể vì thế mà Cô có thể “gồng gánh” những người tị nạn trên vai, trên lưng. Khi Cô xắn tay giúp đỡ người tị nạn, tôi nghĩ chẳng bao giờ Cô màng chuyện ơn nghĩa về sau, nhưng vì thế mà nhiều người lại nhớ nghĩa cử của Cô.

Hiệp Định Paris được ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 đánh dấu sự chấm dứt tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tại Việt Nam. Không biết đây là việc ngẫu nhiên hay ván bài đã được sắp xếp, ngày 29.11.1973, chồng Cô được nữ hoàng Juliana của vương quốc Hòa Lan bổ sang làm đại sứ chính thức tại Thái Lan (11). Đồng lúc, ông cũng đảm nhiệm luôn chức vụ Đại sứ của Hòa Lan tại Việt Nam và Bangladesh, nhưng sứ quán tại Bangkok là nơi ông thường trực (12). Cô Tuyết Hồng theo chồng sang Bangkok, nhưng vẫn theo dõi những diễn biến chính trị và quân sự tại Việt Nam và đau lòng khi chứng kiến cảnh mất nước nhà tan. Cô thương xót số phận hẩm hiu của người dân Việt. Khi nhận được tin những thuyền nhân tị nạn đầu tiên đặt chân đến Thái Lan, cô đã yêu cầu đại sứ Frans van Dongen đánh điện về Hòa Lan để xin cho cô:

  1. a) được phép cứu trợ đồng bào tị nạn Việt Nam tại Thái Lan; và
  2. b) xin chính phủ Hoà Lan cứu trợ những người tị nạn này.

Cả hai lời yêu cầu cứu trợ nhân đạo của Cô đều được chính phủ Hòa Lan sẵn lòng hỗ trợ. Chính tay Cô cùng chồng, Đại sứ Frans van Dongen, với sự giúp sức của nhân viên sứ quán Hòa Lan tại Thái Lan, đã dựng những chiếc lều cứu trợ người tị nạn đầu tiên vào ngày 5.5.1975 trên bờ biển Pattaya, Thái Lan (13). Cô tích cực hăng say giúp đỡ người tị nạn. Biết được thiện ý của Cô, Hoàng Hậu Sirikit Kitiyakara của Thái Lan đã trao tặng cô hai ngàn Mỹ kim để giúp phần thực phẩm cứu trợ. Hoàng hậu Skirit tiếp tay Cô vì lòng nhân hậu của Bà, nhưng cũng vì Cô là một trong những phu nhân của các vị đại sứ tại Thái Lan được hoàng hậu Sirikit quý trọng. Trước đó, Cô đã tình nguyện dạy kèm Pháp ngữ cho các nàng công chúa Thái, con của Hoàng Hậu Sirikit và vì thế Cô đã được nhiều lần mời viếng thăm cung điện mùa Hè của hoàng gia Thái Lan tại Chiang Mai (14).

Trong sứ quán Hòa Lan tại Bangkok, Cô đã xếp đặt văn phòng Cứu Trợ Người Tị Nạn Việt Nam để tiếp nhận thư từ của các người trong trại tị nạn, và chính cô thảo thư trả lời, giải đáp thắc mắc, giúp người tị nạn hoàn tất hồ sơ định cư, v.v.

Khi cô Tuyết Hồng ghé thăm Nam California vào năm 1992, trong buổi tiệc đón mừng Cô, Cha Chiếu (rất tiếc không biết họ và tên thánh của ngài để liên lạc), một linh mục Công giáo đã tiếp tay Cô giúp đỡ các người tị nạn tại Thái Lan, đã thuật lại lời của chồng cô, Đại sứ Frans van Dongen, thưa với Cha trong một buổi trò chuyện thân tình hơn 15 năm về trước (15):

– Cha có biết, nếu tôi cho phép nhà tôi (Mme Catherine) cắm lá cờ VNCH tại cửa phòng Cứu Trợ Người Tị Nạn Việt Nam trong tòa đại sứ của vương quốc Hòa Lan tại Bangkok thì nó đã trở thành sứ quán của hai nước!

Câu nói “khôi hài” trên của chồng cô đã chứng tỏ tình yêu quốc gia mãnh liệt của Cô và ông Frans rất kính yêu Cô.

Đúng như lời tác giả đã viết, Cô là con của Rồng và cháu của Tiên và “ít có người như Cô”

Đại sứ Frans van Dongen phục vụ tại Thái Lan từ tháng 11.1973 cho đến tháng 2.1980. Sau đó Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Thụy Sĩ từ 1981 cho đến tháng 4.1984. Cô theo chồng qua Genève nhưng vẫn theo dõi tin tức và giúp đỡ các người tị nạn tại Thái Lan (qua những người như anh Trầm Kim Thạnh và các vị linh mục Việt Nam và ngoại quốc).

Trong trại Sikiew … mọi người ở đây chỉ tập trung và sử dụng thính giác tối đa là lúc nghe tin: phát thơ, phát tiền của cha Joe (Devlin), cha Namvong (nguyên tên của ngài là Peter Prayoon Namvong, người Thái gốc Việt), của nhà Chùa (nói là của nhà

Chùa, nhưng thực ra đây là tiền của một người phụ nữ Việt Nam tên B.T. Hồng từ Genève gửi cho. Bà Hồng có một người học trò ở đây là anh T K Thạnh, Bà nhờ anh làm đại diện phân phát số tiền cứu trợ…..(17)

Với tư cách phu nhân Đại sứ Hòa Lan tại Thụy Sĩ, cô đã can thiệp với chính quyền Thái Lan cho 19 thuyền nhân Việt Nam (đa số là quân nhân VNCH), bị kết tội cướp tàu đánh cá Thái Lan, được trắng án và cho đi định cư ở đệ tam quốc gia (18). Hai người trong số 19 người thuyền nhân Việt Nam đó là anh Đoàn văn Nguyên và anh Peter Trần. Anh Peter Trần đã nhắn tìm cô Tuyết Hồng (19):

October 14, 2010 at 11:26

Bà chính là người đã can thiệp và xin ân xá cho 19 người tù nhân bị nghi là cướp tàu đánh cá cướp biển Thái Lan Tôi là một trong 19 người tù Đã hơn 2 năm qua tôi cố tìm tin tức để cảm ơn bà. Tôi không biết bà còn sống hay không Tôi muốn viết thư để cảm ơn bà.

Xin giúp dùm 

Cám ơn.

Thầy Dương Ngọc Sum ở dưới Garden Grove khi biết tôi đang xin tin và hình ảnh để viết bài về Cô, đã gọi cho tôi biết là Cô đã ghé thăm Nam California vào tháng 10.1992 theo lời mời của các hội Ái Hữu Petrus Ký, Gia Long, và Võ Trường Toản tại Nam California cũng như của những người đã chịu ơn Cô trong các trại tị nạn.

Trong số người hiện diện tại buổi tiệc đón mừng Cô, có anh Anh Đoàn văn Nguyên, 1 trong 19 tù nhân Việt Nam mà cô đã giúp được tự do tại Thái Lan.

Các anh chị đại diện các hội Ái Hữu đón và trao hoa cho cô tại John Wayne Airport. Trong hình, người thứ nhì từ bên trái là thầy Dương Ngọc Sum, đứng bên trái của cô là anh Đinh Văn Nguyên. Anh Trầm Kim Thạnh là người thứ ba từ bên phải [Nguồn: Trầm Kim Thạnh].

Anh Nguyên đã không dành được cảm xúc khi gặp lại Cô, rưng rưng nước mắt:

– Thưa Cô, em xin được phép đại diện cho tất cả 19 anh em kính lời tri ân đến Cô và nếu có dịp gặp lại Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái, cũng xin Cô chuyển lời chúng em thành kính tri ân (20).

Tại buổi tiệc, Cha Tô Đức Bạch, nguyên Trại Trưởng trại tị nạn Songkhla, cũng đã nhân danh tất cả người tị nạn trong trại tỏ lòng tri ân Cô:

– Tôi là một Linh Mục, “tình” thì không có, nhưng “nghĩa” thì rất nhiều. Trong tim và trí óc của tôi có một chỗ đặc biệt dành cho bà Đại sứ ….

Anh Trầm Kim Thạnh, cựu hội trưởng hội Ái Hữu Petrus Ký tại Nam California năm 1992 và cũng là người đã phụ giúp Cô trong việc giúp đỡ các người tị nạn trong trại Sikiew tại Thái Lan,đã tiếp đãi và mời cô ở chơi tại nhà anh vài hôm trong khi cô ghé thăm. Tôi hỏi anh Thạnh cơ hội nào anh gặp lại Cô trong trại tị nạn, anh đã ngậm ngùi nhớ lại chuyện xưa:

– Cô là người ân của nhiều người trong trại, kể cả anh. Anh học với Cô tại Petrus Ký năm đệ Tam và đệ Nhị. Lúc anh vượt biển đến Thái Lan, đầu tiên họ nhận anh vào trại Songkla nhưng vào cuối năm 1981, họ đưa anh qua trại Sikiew. Tại trại này, tình cờ anh lượm được tờ báo Bangkok Post. Anh đọc bản tin trong báo viết về bà đại sứ hoàng gia Hòa Lan tại Thái Lan tên là Catherine Van Dongen – Bùi Tuyết Hồng rất được sự kính phục của hoàng gia Thái Lan và nhờ những việc làm của Bà Hồng cứu giúp người Việt Nam tị nạn mà hoàng gia Thái đã giúp phương tiện và cho họ tạm trú. Cuối cùng bản tin cho biết là Bà và chồng là đại sứ Van Dongen đã đổi nhiệm sở từ Bangkok về Genève, Thụy Sĩ.

Khi đọc xong bản tin này, anh vội vã viết lá thư gửi cho Cô, trong thư anh viết sơ cho Cô biết anh là học trò cũ của Cô tại Petrus Ký, nhắc lại những mẩu chuyện vui vui về Cô vào dịp Tết, biết Cô thích mặc áo dài màu tím, và Cô lái xe Vedette đi dạy, … sau đó, Cô qua Pháp học trường Sorbonne, rồi lập gia đình với một nhà ngoại giao người

Hòa Lan, v.v. Anh viết là anh mới vượt biển bằng ghe (boat people), vào trại Songkla, ở một tuần thì trại đóng cửa, họ vừa chuyển anh lên trại Sikiew. Anh cũng cho Cô hay anh là một cựu quân nhân Nhảy Dù. Vợ con anh còn kẹt lại Việt Nam, và gia đình hiện tạm trú bên ngoại.

Sau 3 tuần chờ đợi, anh nhận được thư Cô hồi âm, Cô viết là Cô vui lắm khi nhận được thư anh và Cô ngỏ ý muốn anh thay mặt cho Cô để tiếp tục giúp đỡ cho người tị nạn Việt Nam trong trại.

Và cô dặn dò nên làm việc công minh nhưng kín đáo, lập danh sách khoảng 30 gia đình cần sự tiếp tế, nhất là những đứa trẻ không có cha mẹ đi theo, đặc biệt là các cô gái trinh trắng bị hải tặc Thái hãm hiếp, dập vùi khi vượt biển.

Đây là lá thư Cô viết cho các thiếu nữ bất hạnh trong trại Sikiew (21):

Chị không bao giờ quên được các em, các em dính liền với quê hương, quê hương mà ở đó, chị đã sống trọn tuổi thơ đã được ôm ấp. gói trọn trong tiếng võng đưa của mẹ miền Tây với những dòng phù sa, ruộng đồng bạt ngàn cánh lúa. Hình ảnh Các Em là một phần đời của chị, ngày hai buổi đến trường tung tăng như bướm. Nhưng bất hạnh thay, các em đã không có được những thơ mộng này, tuổi hồng của các em đã bị cướp mất. Búa liềm Cộng Sản đã cắt gọn những mái tóc xanh, chà nát hạnh phúc nhỏ nhen của người dân nhược tiểu, các em phải chọn con đường ra đi. Dù biết rằng, đi là mất tất cả, là chấp nhận đối diện với sự sống chành mành. Biển cả và Hải tặc đã tiếp tay với kẻ thù giáng xuống thân phận các em những đòn hằn ác liệt thảm khốc, kinh hoàng. Rồi trên đất liền, các em phải chống trả với đói khát, giá lạnh, tủi nhục đủ điều. Chị thấy có bổn phận tâm tình với các em những điều này.

Chị thấy có bổn phận phải giúp các em bằng cách này hay cách khác. Chị đã làm và đang tiếp tục làm. Hy vọng các em phôi pha được những thảm thương dù một phần rất nhỏ… Trong đôi mắt chị luôn luôn có hình ảnh bi thảm của những người Việt Nam tị nạn, dù nhìn xa hay nhìn gần. Chị cảm thấy đó là niềm đau ót của chính mình. Cho nên đã từ lâu chị cố gắng trong khả năng của mình để xoa dịu vết thương đau xót này…”

Vào tháng 5.1984, đại sứ Van Dongen lại được chuyển từ Thụy Sĩ về làm đại sứ tại Nam Dương (22). Khi vừa đặt chân đến Jakarta (thủ đô của Nam Dương), Cô lại bắt tay vào việc giúp đỡ đồng bào tại trại tị nạn Galang I và II.

Nếu phải chọn một cái nhân tính mà tôi luôn ngưỡng mộ, tôi sẽ phải phân vân chọn lựa giữa Vị Tha và Bác Ái.

Cô Tuyết Hồng và chồng cô ghé thăm thường xuyên các trại tị nạn Songkhla, Sikiew, Panatnikhom tại Thái Lan, và Galang I, Galang II tại Nam Dương. Trong các cuộc ghé thăm, Cô tặng thực phẩm, tiền bạc, an ủi tinh thần cũng như tìm cách giúp đỡ hồ sơ của những người tị nạn hầu họ có thể định cư qua các quốc gia tự do mau chóng và dễ dàng hơn.

Những người đã nhận sự giúp đở của Bà

Một trong những người chịu ơn Cô trong trại tị nạn lại là Thầy Bùi Trọng Chương, cựu giáo sư Công Dân lão thành của Petrus Ký. Thầy Chương nhớ lại chuyện xưa:

– Kể từ năm 1963 sau khi Cô Hồng chuyển qua dạy tại Gia Long, thầy không gặp lại Cô, nhưng thầy có nghe tin Cô thành hôn với ông Tổng Lãnh Sự Hòa Lan tại Việt Nam.

Sau 4.1975, Cô Hồng lại là ân nhân của gia đình Thầy. Khi gia đình thầy qua đến trại tị nạn tại Thái Lan vào khoảng năm 1982 – 83, thầy gặp lại Cô khi Cô và phái đoàn vào thăm trại tị nạn. Lúc ấy Cô viếng trại với tư cách phu nhân của ông Đại sứ Hòa Lan tại Thái Lan. Cô nhận ra Thầy ngay và rất mừng khi gặp lại Thầy, “ông anh họ của Cô”

Lúc đầu, gia đình Thầy được người em họ của Thầy bảo lãnh đi Pháp, nhưng cô Hồng đã giúp gia đình thầy chuyển cảnh từ Pháp qua Mỹ và sau đó gia đình thầy được giấy chấp thuận cho đi Mỹ .

Dù cả nhà thầy đi cùng qua Thái Lan, nhưng khi đến trại tị nạn, hồ sơ của gia đình con gái lớn của thầy lại bị tách riêng và gia đình con gái thầy không được đi cùng lượt với thầy cô qua Mỹ . Chờ đợi một thời gian, thầy hơi lo là gia đình con gái Thầy không sang được Mỹ , nhưng tình cờ một anh bạn dạy tại LHP cho thầy biết anh vừa nhận được thư của một học sinh thuật lại việc em đã được bà Hồng giúp đỡ tại trại tị nạn.

Tóm tắt em thuật lại sự việc như sau:

“Bà Bùi Tuyết Hồng đến thăm trại, gặp em. Bà thấy em còn quá trẻ nên hỏi em làm nghề gì, em đáp là học sinh. Bà hỏi học trường nào, em đáp học trường LHP. Bà hỏi trường LHP là trường nào? Em đáp đó là trường Petrus Ký ngày xưa Bà bảo:

– Tôi nguyên là giáo sư Petrus Ký

Rồi Bà ghi tên em vào quyển sổ tay của Bà. Sau đó em được đi định cư…

Thầy bèn biên cho Cô Hồng một bức thư và sau đó nhận được thư phúc đáp của Cô, rồi gia đình con gái thầy được đi khám sức khỏe đi …”

Giáo sư Lê Văn Hoài trước dạy tại trung học Lê Bảo Tịnh và Tân Khoa cũng đã nhớ về cô (23):

– Bà Hồng cũng là ân nhân của tôi. Cuối năm 1979, tôi và đứa con nhỏ vượt biên đến trại Songkhla, ở đó 3 tháng thì được thân nhân bảo lãnh sang Mỹ . Trong thời gian ngắn ngủi đó, tôi nhận được 2 hộp sữa và 200 baht, là cả một nguồn an ủi lúc bấy giờ. Bà Hồng là một người có lòng, một người phúc hậu đáng cho chúng ta kính phục.

Anh Bùi thế Trường, một huynh trưởng từ Sydney, cũng viết cho tin:

– Tôi gặp cô Bùi Tuyết Hồng tại trại Galang. Đi theo Cô, có bác sĩ Hồ Tấn Phước, gọi là anh Phước tóc hoe đỏ. Anh Phước, giám đốc bệnh viện giải phẩu Hạnh Phước CA USA, là bạn của tôi. Tại Galang, Anh Phước cùng tôi ngồi trên một cái ghế dài bằng gỗ trong khu Cao ủy, trò chuyện và anh khuyên tôi nên đi Úc. Theo anh, kỹ sư nên đến Úc, còn bác sĩ thì ghé Mỹ.

Tôi cũng không quên nói thêm là chính bác sĩ Phước móc nhét túi tôi, cái túi áo nhà binh, một nắm tiền Indo, mà tôi tiêu pha rất lâu cũng chưa hết.

 

Còn Cô Tuyết Hồng cũng cho tiền tôi rất nhiều, đặc biệt nhất là chính tay Cô nhờ Đại sứ Hoà Lan gọi cho Đại sứ Úc trường hợp của tôi. Vì thế chỉ trong 2 tuần tôi qua Úc, và được thưởng 500 dollars, vì tôi đã làm việc với Úc tại VN, tôi đã cộng tác với phái đoàn UNESCO trong đó có chuyên gia Úc.

Tôi lại là học trò của giáo sư Bùi Văn Nên, dạy Pháp Văn tại Phan Thanh Giản, là thân sinh giáo sư Bùi Tuyết Hồng. Và tôi cũng là bạn của Bùi Tuyết Sơn, bác sĩ chỉnh hình tại CA- USA (24). Khi tôi qua M có gặp ơn rất cảm động và vui. Và Sơn viết thư cảm ơn tôi về việc viết lại kỷ niệm của Bà Chị ruột của Sơn. Bài tôi viết dường như đăng trên Đặc San Phan Thanh Giản.

Tôi cũng nguyện cầu Cô Bùi Tuyết Hồng và bác sĩ Hồ Tấn Phước, luôn được siêu thoát trong cõi vĩnh hằng. Thành kính và biết ơn.

Thầy Trần Huệ, cựu Giáo sư Vạn Vật của Petrus Ký, đã nhớ về Cô:

Đầu năm 1980, thầy đang tị nạn trong Trại Tị Nạn Songkhla, Thái Lan — được chọn và tình nguyện phụ trách Trưởng Ban Giáo Dục của Trại chính yếu lo cho chương trình dạy Anh ngữ trong trại — có cơ hội rất vui mừng được tận mắt thấy Cô Bùi Tuyết Hồng, Phu Nhân của Đại Sứ Hòa Lan Van Donan (thầy nhớ tên không biết nay có đúng không, cầm đầu một phái đoàn vào trại đi thăm và tặng tiền cứu trợ các đồng bào tị nạn có nhu cầu tài chánh trong trại nầy.

Cô lúc ấy mặc áo dài màu vàng đọt chuối, sức khoẻ thấy rất tốt, dáng người không khác gì khi Cô dạy Trường Petrus Ký là lúc thầy cũng đang dạy ở đó

Cô rất hăng say làm việc, rất ân cần, nhanh nhảu, và rất bình dân. Thầy rất muốn đến hỏi thăm; nếu thầy tiến đến thì chắc là Cô nhìn ra ngay và mừng lắm, và thầy cũng chắc là có thêm chi tiết cho em viết bài; nhưng lúc ấy thầy thấy Cô Tuyết Hồng quá bận, vả thầy lại không có nhu cầu cần được tiếp trợ cho lắm vì nhờ có thân nhân nước ngoài gửi tiền giúp đỡ và cũng nhờ có tiền do dạy riêng cho hai người con gái của Ông Trưởng Trại.

Bùi Hữu Liêm (cựu học sinh Petrus Ký, khóa 70 – 77) cũng nghe tin Cô khi ở Thái Lan:

Anh S.,

Hồi đó em ở trại tị nạn ong hla năm 1981 cũng có nghe tên Cô là phu nhân của ông Đại Sứ Hòa Lan tại Bangkok. Có điều là không biết Cô dạy Petrus Ký và cũng không dự định đi định cư Hòa Lan nên hông có cơ hội tiếp xúc với Cô hình như lúc ông Đại sứ làm việc ở Bangkok và Cô thường vào trại tị nạn ở Thái Lan vào năm 1980. Hơn nữa lúc đó có nhiều trại tị nạn ở Thái Lan đáng được quan tâm hơn ong hla Nói chung thì em ở từ tháng đến tháng 9 năm 1981 ở Songkhla và Panatnikhom cũng không có cơ hội được gặp mặt Cô .Sau đó em chuyển qua Galang II, tại Indonesia là trại dành cho những người đã được Mỹ nhận rồi nên cũng không thấy ai đến thăm cả và có thể là Cô đến viếng Galang I.

Trong khi tìm tài liệu về cô Tuyết Hồng, tôi đọc được bài viết “Phỏng vấn phu nhân đại sứ Hoà Lan tại Indonesia” của anh Bùi văn Phú. Vào năm 1986, anh Phú đang làm việc cho văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và được gửi sang giúp trại tị nạn Galang.

Một vị linh mục người Nam Dương mà gần như tất cả người tị nạn tại đảo Galang đều yêu mến là Cha Padmo. Hình chụp Cha Padmo (đội mũ) đang tham dự sinh hoạt với các bạn thanh niên công giáo tại Galang vào năm 1986. 

Anh Phú đã phỏng vấn cô Tuyết Hồng khi vợ chồng Cô ghé thăm trại Galang I để phân phát quần áo cho trẻ em nghèo, quan sát sinh hoạt của các hội đoàn Hướng Đạo và viếng thăm đồng bào Công giáo tại nhà thờ Thánh Giuse. Những thiện cảm của anh về Cô đã được thể hiện rõ trong bài phỏng vấn này (25).

Cứu Vật, Vật Trả Ơn, Cứu Nhân, Nhân Trả Nghĩa

Việt Nam có câu ngạn ngữ gần tương tự. Tôi đổi ý phần sau của câu ngạn ngữ vì đó là điều tôi mong muốn.

Việc Cô Tuyết Hồng giúp người tị nạn thật đáng khâm phục. Gần như một thân, một mình, Cô đã giúp hàng ngàn người tị nạn từ ngày 5.5.1975 cho đến khi trại tị nạn cuối cùng đóng cửa, gần 20 năm sau cuộc chính biến tại Việt Nam. Người xưa có câu “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy ngôi chùa”, thế thì “ Kiến trúc sư” Bùi thị Tuyết Hồng đã xây bao nhiêu ngôi chùa?

Có người đã cho Cô cái tên là Hạnh Bồ Tát, tôi nghĩ cô khiêm nhượng hơn và không thích ai gọi cô danh xưng này. Đám học trò Petrus Ký có danh từ thật thích hợp để gọi Cô.

“CÔ”, đó là danh từ đầy đủ ý nghĩa nhất mà tôi nghĩ cô đã vui nhận từ đám học trò cũ của Cô cũng như từ bất cứ một ai quen biết Cô.

Một nghĩa cử của Cô mà tôi biết ít ai biết đến – đó là Cô cũng thương yêu và thích chăm lo thú vật. Khi chồng cô làm Đại Sứ tại Nam Dương, vào năm 1984, Cô đã sáng lập “Hội của Những Người Yêu Thú Vật” (Club of Animal Lovers) tại thủ đô Jakarta. Thành viên của hội gồm các phu nhân của các vị đại sứ nước ngoài, các vị Bộ trưởng của Nam Dương và vợ con của họ, cũng như Thống đốc Phu Nhân của thành phố Jakarta và các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương. Cô Tuyết Hồng đã gây quỹ để nuôi các thú vật bị bỏ rơi và trại nuôi thú vật này nằm trên đường Gunung Sahari tại thành phố Jakarta (26).

Đọc những dòng này, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh Bà Mẹ Việt Nam cần cù, nhẫn nại quần quật mỗi ngày với chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, thêu thùa, lau chùi, tắm rửa cho con, v.v. những công việc rất quan trọng trong đời sống gia đình. Nhưng Mẹ không đòi một đồng lương, nặng nhọc của Mẹ ít ai biết đến, và hiếm khi Mẹ nhận được một lời cảm ơn từ chồng con nhưng Mẹ vẫn vui.

Xin dùng mấy câu cuối của bài hát “Lời Mẹ Ru” làm đoạn kết cho bài viết:

Rồi một mai con đã lớn khôn rồi

Con thôi thơ ấu í… i… a…

Mẹ rời thật mau,

Mẹ rời chiêm bao.

Đời mẹ ru con bao lâu mỏi mòn,

Nên lâu cũng mỏi mòn,

Bây giờ mẹ nằm,

Lá đổ ngoài sân,

Lá đổ ngoài sân,

Lá đổ ngoài sân…..

Để ru mẹ ngủ…..!

Bây giờ Cô nằm, Lá đổ ngoài sân,

Lá đổ ngoài sân, Lá đổ ngoài sân….. Để ru Cô ngủ…..!

Trần Thanh Minh

Photos