Skip to main content
Uncategorized @vi

Tâm Thư của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt

By December 17, 2020No Comments

Kính Thưa Quý Vị,

Sau khi miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm và cai trị bởi bạo quyền cộng sản miền Bắc từ cuối Tháng Tư năm 1975, biết bao đau thương nghiệt ngã đã xảy ra cho bản thân và gia đình của người dân miền Nam khi họ bị tước đi quyền sống căn bản TỰ DO và NHÂN QUYỀN. Hàng chục ngàn Dân-Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hoà đã phải gánh chịu cả thập niên dài tù đày khổ ải trong những trại tù “cải tạo”, nhiều người trong số họ đã phải nằm xuống vĩnh viễn trong đau đớn và uất hận. Còn gia quyến họ đã phải bị ngược đãi ở mọi khía cạnh sống giữa xã hội đó, con cháu họ bị kỳ thị từ học vấn đến phương tiện kiếm sống qua ngày…

Nên hàng triệu người đã bất chấp cái chết hay ngục tù tìm đường vượt biên bằng đường bộ hay đường biển, và đã có gần một triệu người bất hạnh chết tức tưởi trong lòng biển lạnh vì bão tố, đói khát, hoặc hải tặc. Trong số đó, nhiều em bé bị hành hạ, bao nhiêu phụ nữ đã bị hãm hiếp cho đến chết hoặc bị bắt đi vĩnh viễn.

Hơn 45 năm qua, những bận rộn lo lắng của việc hội nhập mưu sinh trong cuộc sống mới tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới, đã khiến chúng ta phải tạm gác lại những nỗi đau thương cũ, mặc dù thực sự chẳng có ai có thể quên được. Cho đến nay cộng đồng người Việt chúng ta tại Hải Ngoại đã thật sự lớn mạnh, nhưng vẫn chưa có được một viện bảo tàng thực thụ quy tụ những dữ liệu sống còn của người Việt Nam tỵ nạn từ sau biến cố đau thương nhất của dân tộc vào ngày 30 Tháng 4 năm 1975. Thời gian qua đi, chúng ta đã và đang mất dần những nhân chứng, những di vật có giá trị lịch sử hết sức quan trọng và quý báu cho dân tộc, cho thế hệ con cháu của chúng ta.

Hơn nữa, với chiều dài gần nửa thế kỷ qua, dưới ách đô hộ hà khắc của đảng và chính quyền Cộng Sản, người dân Việt Nam vẫn mỗi lúc một sống quằn quại trong khốn khó nô lệ. Cuộc tranh đấu đòi TỰ DO – DÂN CHỦ – NHÂN QUYỀN của người dân trong nước luôn luôn cần các cộng đồng gốc Việt ở Hải Ngoại giương cao nỗ lực sống còn này để dân tộc Việt có cơ hội tiến bộ cùng các dân tộc khác trên thế giới hiện nay.

Với mục đích và hoài bão đó, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM)  đã được thành lập và chính thức trở thành một tổ chức phi lợi nhuận – Non-profit Organization 501(c)(3) – kể từ tháng 6 năm 2018. VHM hoạt động với tôn chỉ sau:

  1. SỨ MỆNH

Sưu tầm, thu góp, bảo tồn và phổ biến những chứng tích của người Việt tỵ nạn kể từ biến cố năm 1975.

  1. ĐỊNH HƯỚNG

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt là nơi lưu trữ những chứng tích sống của một đất nước và dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đen tối, và là động lực nền tảng để các thế hệ người Việt luôn đứng lên đòi quyền tự quyết cho sự tồn vong mai sau.

Trong mục đích kể trên, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý đồng hương, mọi người chúng ta hãy chung tay, cùng đóng góp từ những câu chuyện trên đường vượt biên, những khó khăn trên bước đường lập cư nơi xứ người, cho đến các báu vật kỷ niệm mang theo. Đó chính là những chứng tích lịch sử cụ thể nhất trên con đường tỵ nạn trong lúc nhiều nhân chứng hiện nay còn sống, để con cháu trong những thế hệ mai sau cần được biết đến, để nhớ ơn và hãnh diện cho sự hy sinh và can đảm của cha ông. Bên cạnh đó, viện bảo tàng cũng muốn dành cho người bản xứ có cơ hội hiểu thêm về nguồn gốc, xuất xứ, cùng sức sống nỗ lực vươn lên và những đóng góp vào xã hội tái định cư của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

VHM hoạt động một cách độc lập và vô lợi nhuận, phỏng theo mô hình của những viện bảo tàng khác thuộc dòng chính trên nước Mỹ. Chúng tôi kêu gọi toàn thể người Việt Nam tự do trên toàn thế giới có cùng chung một lý tưởng, hãy đoàn kết và liên minh một cách chặt chẽ để cùng phát triển rộng lớn VHM, trong mục đích tối hậu là gìn giữ sử liệu một cách cụ thể, chính xác, minh bạch về sự thật lịch sử của người Việt Nam.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc Hận, và 5 năm nữa là 50 năm. Chúng ta chỉ tưởng niệm đến biến cố đau thương của dân tộc một lần trong một năm. Với tôn chỉ của VHM, viện bảo tàng sẽ là nơi chúng ta nhắc nhớ hằng ngày cho những con dân đất Việt và cho thế hệ mai sau nhớ đến cội nguồn, hiểu biết và quyết tâm tiếp nối sự nghiệp – Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc.

Chúng tôi xin đón nhận mọi ý kiến, đóng góp của quý vị dành cho những bước đi vững chắc của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt.

Kính chào và luôn chờ đón sự công tác quý vị.

Trân trọng,

Châu Thụy và Những Thành Viên VHM