Sau cuộc vượt biển vào đầu năm 1980, tôi đã may mắn sống sót cùng với những kỷ vật được mang theo trên chuyến đi đầy gian truân đó. Và trong những ngày tháng bấp bênh qua các trại tỵ nạn và những năm đầu tái định cư tại nước Mỹ, tôi phải di chuyển chỗ ở hầu như một năm một lần. Nhưng những kỷ vật đó vẫn luôn giữ bên mình như sợi dây cuối cùng buộc chặt tôi với quê hương thân yêu còn lại bên kia Thái Bình Dương, nơi tôi đã sống và lớn lên với tất cả những kỷ niệm, nơi vẫn còn có những người thân yêu đang vật vã sống cùng dân tộc của tôi.
Mỗi năm, cứ vào dịp ngày 30 tháng 4, tôi và một số bạn hữu ngồi với nhau để tưởng nhớ những gì đã qua và vun xới những gì còn sót lại. Hết năm này sang năm sau. Tôi biết chắc rằng không riêng gì một mình tôi mà còn biết bao nhiêu người sống khắp nơi trên thế giới hẳn đã không bao giờ quên được những kỷ niệm thương đau trên bước đường đi tìm tự do, và dù ít dù nhiều, họ vẫn còn lưu giữ những kỷ vật giống như tôi.
Sau nhiều lần thăm viếng các viện bảo tàng lớn trên nước Mỹ ở Washington DC và nhiều nơi khác, tôi nhận thấy rằng dù một cây bút viết nhỏ nhoi cho đến chiếc xe hơi, những vật vô tri mà họ vẫn trân trọng trưng bầy để tạo riêng cho những kỷ vật như thế để chăm chút nói lên xuất xứ của chúng! Rồi khi thăm những viện bảo tàng Holocaust của người Do Thái, tôi ngạc nhiên hơn nữa khi thấy họ đã thu thập thật nhiều những gì còn tìm thấy lại trong các trại tập trung Đức quốc xã, dù là một sợi tóc, một chiếc giầy nhỏ nhoi rách nát…Với những hiện vật cụ thể ấy, họ muốn minh chứng cho khách viếng thăm thấu hiểu về những biến cố vô nhân đã xảy ra cho dân tộc của họ, như những thảm kịch trong quá khứ của lịch sử nhân loại.
Từ sau biến cố đau thương 1975 và kéo dài cho đến bây giờ, những con dân Việt vẫn tiếp tục phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi tìm tới những xứ sở tự do. Trong suốt thời gian qua, biết bao nhiêu kỷ vật – tài liệu về người tỵ nạn Việt: Từ đời sống khắc nghiệt trong các trại cải tạo cho đến biết bao nhiêu cuộc vượt biên, từ các trại tỵ nạn cho đến những ngày đầu tái định cư trên đất mới-xã hội mới… Mỗi một kỷ vật còn lưu lại đều là một câu chuyện sống động riêng của chủ nhân nó. Nếu đem gom lại và trân trọng lưu giữ tất cả ở một nơi trang trọng,chúng ta sẽ có một bức tranh toàn diện, nói lên một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng không kém hào hùng của dân tộc chúng ta.
Những thế hệ lớn lên sau này, trong nước cũng như tại hải ngoại, rất nhiều người đã và sẽ không hề hay biết gì về giai đoạn lịch sử đó. Từ tinh thần bất khuất mà bao lớp cha ông và đàn anh đi trước đã hy sinh và vượt lên từ những khó khăn tột cùng để mong cho những thế hệ mai sau có được một tương lai rạng sáng như ngày hôm nay.
Với nội dung ý tưởng đó, tôi và một số thành viên khác gồm có Chị Trần Thị LyLy, Lâm Thanh Hùng và Anh Tô Tiến Dũng, có cùng chung một ý chí đã ngồi lại và đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để lưu giữ sử liệu một cách cụ thể- chính xác – minh bạch về sự thật lịch sử của người Việt Nam Tự do. Từ đó, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đã thành hình với mục đích nơi này là trung tâm điểm nhắc nhở hằng ngày cho những con dân đất Việt và bao cho thế hệ mai sau luôn nhớ đến cội nguồn, hiểu biết và quyết tâm tiếp nối sự nghiệp – Gìn Giữ Cội Nguồn và Bản Sắc của Dân Tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng muốn dành cho dân bản xứ có cơ hội hiểu thêm về nguồn gốc xuất xứ, cùng sức sống nỗ lực vươn lên và những đóng góp vào xã hội tái định cư của cộng đồng chúng ta tại hải ngoại.
Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt sẽ không phải là một dự án nhỏ của một cá nhân hay của một đoàn thể nào, chúng tôi kêu gọi toàn thể người Việt Nam tự do trên toàn thế giới cùng chung một lý tưởng, đoàn kết – liên minh một cách chặt chẽ để cùng phát triển rộng lớn viện bảo tàng của chúng ta, cho bây giờ và mãi mãi về sau.