Đây là những bức hình chụp của anh Đặng Hùng (con rể của Thiếu tá Đặng văn Ngọc từ Mỹ về thăm Việt Nam năm 1989 và đến thăm ông tại trại tù “cải tạo” Z30D Hàm Tân). Anh Hùng đã lén chụp được tấm ảnh của Đại tá Lê Đình Luân Chỉ Huy Trưởng Đơn Vị Tình Báo 101 và Thiếu tá Đặng văn Ngọc đứng tại phía đầu cầu nhà thủy tạ được xây dựng giữa dòng suối cách trại Z30D khoảng 100 mét.
Sau 33 năm, tôi lại nhìn được tấm hình mà hình ảnh gợi lại cho tôi sự căm giận và một nỗi buồn tủi dâng lên trong lòng. Đó bức hình của ngôi nhà thủy tạ làm bằng gỗ, nằm trên giữa dòng suối, nó đã được tạo dựng lên với biết bao mồ hôi và sự khổ cực ngày đêm của anh em sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa. Vào khoảng năm 1987-88, Trịnh văn Nhu là trại trưởng trại tù “cải tạo” Z30D, với tham vọng biến khu vực cạnh trại tụ thành trung tâm du lịch. Nhu tuyển dụng một số các anh em khéo tay nghề mộc, trong đó có tôi và anh Bảo Trâm để đóng góp nhiều kỷ thuật và nghệ thuật cho căn nhà thủy tạ này. Sau đó Nhu đã giao cho tôi làm nhiều thứ vật dụng cao cấp khác như salon tay cuốn, giường hộp, rương hòm. Ngoài công việc thợ mộc, tôi còn làm thêm thợ rèn, từ các cọc sắt lấy từ hàng rào ấp chiến lược, miếng thép sườn túi balô đến dây kẽm gai, tôi đã chế tạo chúng thành những dụng cụ hữu ích như dao, cuốc, còng số 8, kéo, dao dùng để giải phẩu. Tôi vẫn còn nhớ con dao làm từ miếng thép lấy ra từ chiếc balô, sau khi đập mỏng và mài thật sắc, cán bộ Việt Cộng đã dùng nó để giải phẩu cho những anh em bị bịnh đau ruột dư, bệnh nhân bị y tá Việt Cộng cho nằm trên một cái chỏng tre đặt trong một chiếc mùng, hai tay chân bị trói chặt vào thành giường, sau đó họ dùng dao tôi làm để cắt bỏ phần ruột dư, vì không có thuốc tê nên bệnh nhân đau quá, la hét vang cả rừng xanh.
Thời gian này, một buổi trưa trong lúc lao động, tôi lén lấy gỡ làm một chiếc hộp đựng viết chì cho anh Điệp, người bạn tù để anh làm quà tặng cho con nhân dịp vợ anh sắp đến ngày thăm anh. Sau khi làm xong, trong lúc tôi đang cầm thử kéo cái nắp ra vào nhiều lần cho trơn. Bỗng nghe tiếng động, tôi giật mình quay lại, tên Nhu đã đứng sau lưng lúc nào. Hắn ra lệnh mấy tên cán bộ trói ghì tôi lại, đẩy tôi vào phòng giam cách ly. Cái phòng này có diện tích giống như một cái huyệt chôn người chết, chiều dài 2 mét, chiều rộng 60 centimet và chiều cao 2 mét. Tôi rùng mình khi chợt nghĩ có lẽ đây là cái mồ của tôi. Bên trong, một mô đất được đắp cao khoảng 40 centimet dùng để làm giường nằm, phần còn lại phía dưới có khoét một cái lỗ để bô tiểu tiện. Trong suốt thời gian bị cách ly, tôi phải nằm ngửa, cổ hai tay tôi bị chiếc còng số 8 khóa chặt, hai chân xỏ qua vách phòng đưa ra phía ngoài và có gông kẹp lại. Cái còng số 8 và cái gông bằng gỗ lại chính do tôi làm ra, bây giờ tôi bị hành hình với những dụng cụ này! Chỉ khi đến bữa ăn, còng và gông mới được mở ra. Mỗi buổi chiều, sau 4 giờ thì tôi bị tra tấn bởi đàn muỗi rừng đói thấy hơi người túa ra như trấu, tôi vẫn nằm im vì biết mình đã nằm sẵn trong quan tài rồi!
Nhưng tôi vẫn sống sót sau 15 ngày trong phòng cách ly và 13 năm trong trại tù “cải tạo.”
Bây giờ nhìn lại tấm hình, tôi vô cùng xúc động và cảm ơn phép nhiệm mầu Chúa thương và cứu chữa cho tôi.
Vài dòng viết thuật lại về bức hình và những khốn khổ của một nhân chứng sống trong trại tù “cải tạo” của Cộng Sản Việt Nam. Thân gửi tặng Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt để lưu lại cho những thế hệ mai sau tìm hiểu về tinh thần anh dũng can trường của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Lê Trị