Cha Peter Prayoon Namwoong Vị Thánh Nhân Giữa Đời Thường
Trong cuộc đời mọi người phải tất tả ngược xuội để lo cho cuộc sống hằng ngày, họ phải lao tâm khổ trí, vất vả sớm hôm để chăm chút cho gia đình và chính bản thân mình. Tuy nhiên cũng có những người chỉ quan tâm đến người khác, lấy sự hy sinh bản thân mình làm niềm vui cho mọi người, lấy nhân ái làm gốc rễ cho cuộc đời và lấy nụ cười làm dịu mát những cơn đau. Họ rất hạnh phúc khi giúp đỡ người khác, rất vui sướng khi làm việc từ thiện và tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình vì tha nhân, nhất là những người đang trong hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh tật, ốm đau, đang trong cảnh éo le ngõ cụt của cuộc đời. Người đó chính là cha Peter Prayoon Namwoong hiện đang ở tỉnh Nakhorn Ratchasima, Thái Lan.
Sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền nam là hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, làn sóng tỵ nạn đã ồ ạt tràn qua các nước Đông Nam Á đặc biệt là Thái Lan. Từ đó, nhiều trại tỵ nạn đã mọc ra ở Thái Lan, đặc biệt là trại Sikiew thuộc tỉnh Nakhorn Ratchasima.
Tôi là người có cái duyên rất gần gũi với Cha Peter Prayoon Namwoong, suốt hơn 5 năm từ năm 1991 cho tới năm 1995 tôi đều gặp cha vào mỗi Chúa Nhật hàng tuần, cha con thường xuyên hàn huyên tâm sự, tôi đã có dịp ra Tòa Giám Mục Nakhorn Ratchasima ở với cha 2 ngày nên biết nhiều chuyện thâm cung bí sử về cha mà ít ai biết được (vì là trại cấm nên tôi đã ra ngoài trại qua ngả đường bịnh viện). Có nhiều bài viết về cha Peter Namwoong, nhưng chưa có ai biết được cha Peter thuộc dòng dõi vua Gia Long (điều này tôi đã viết trong trong công trình khoa học nghiên cứu sinh viên và đã được Hội Đồng Khoa Học Nhà Trường trao giải năm 2002). Ngày xưa khi Chúa Nguyễn Ánh qua Xiêm La để cầu viện đã đem theo thê thiếp của mình và đã để lại giọt máu này ( theo tiếng Thái Lan, Prayoon có nghĩa là hoàng tộc). Dòng dõi cha Peter Prayoon Namwoong là những người giàu có và có địa vị tại Thái Lan, cha Peter là con trai một trong gia đình giàu có, nhưng vì sự bác ái yêu thương cha đã dấn thân phục vụ cho giáo hội công giáo và nhất là cho tha nhân. Không những thế, dòng dõi này.luôn ý thức về địa vị của mình cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam, nên họ thường gặp nhau vào ngày Chúa Nhật hàng tuần để nói tiếng Việt, khi gặp nhau mọi người phải nói chuyện bằng tiếng Việt, chính vì thế, mà dòng dõi của cha Peter vẫn duy trì được tiếng Việt cho tới ngày nay (tôi đã tiếp xúc nhiều với họ hàng của cha, họ nói đặc sệt giọng bắc nhất là người chị ruột của cha).
Trại Sikiew được thành lập vài năm sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền nam dưới sự giám sát của cảnh sát Hoàng Gia Thái, hồi đó nó là một nhà tù (Detention Center) nơi đây đã giam giữ rất nhiều người Việt lánh nạn cộng sản trên đất Thái “bất hơp pháp” bằng đường bộ hay còn gọi là “bộ nhân”. Đã có một trận dịch khủng khiếp cướp đi nhiều sinh mạng người tỵ nạn Việt Nam, đến nỗi nhiều xác chết không kịp đem đi nên phải chôn tập thể vào những năm 1978 ?( theo những người Việt bị giam giữ lâu năm tại Thái Lan, cha ông của họ là những người qua Thái Lan vào những thập kỷ 30 và 40 mà tôi đã có dịp phỏng vấn). Sau năm 1981, khi số người đến Thái bằng đường biển gia tăng, Bộ Nội Vụ Thái quyết định di chuyển những bộ nhân ở Sikiew về trại Khao I Dang, sát biên giới Thái-Lào-Campuchia và dành riêng trại Sikiew để tập trung giam giữ những thuyền nhân (Boat People) đến Thái bằng đường biền.
Cha Peter Prayoon Namwoong vừa mới thụ phong linh mục vài năm, ngài đã đảm nhận vị cha sở chăm sóc trại tỵ nạn Sikiew. Từ một trại hoang sơ, cha Peter đã từng bước xây dựng trung tâm Minor, ngôi trường Our School và đặc biệt là chương trình L’Enfant Du Mékong…Và rồi từ đây, những quán cà phê mọc lên, những gian hàng tạp hóa khai trương và ngôi chợ nho nhỏ được hình thành… Những điều này không phải tự nhiên mà có, đó là một quá trình đấu tranh dài của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan can thiệp với chính phủ Thái, trong đó có sự đấu tranh không mệt mỏi của cha Peter Prayoon Namwoong…Trại Sikiew đóng cửa vào năm 1986.
Cuộc đời tỵ nạn thật là oái oăm, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đưa ra cái mốc oan nghiệt14/3/1989 để phân định giữa thành phần di dân kinh tế và tỵ nạn chính trị. Tất cả những ai đi sau ngày này đều phải trải qua thanh lọc. Nếu ai đậu thanh lọc thì được đi định cư ở nước thứ ba, và những ai rớt thanh lọc thì buộc phải trở về nơi cố quốc. Như là một định mệnh đã an bài, các trại tỵ nạn trên đất Thái phải tập trung về trại Sikiew để tiến hành thủ tục thanh lọc…Chính vì thế, trại Sikiew chính thức mở cửa lại vào năm 1991.
Rời trại Panat Nikhom, tôi về trại Sikiew với biết bao nỗi lo lắng về thân phận người tỵ nạn, nhưng khi lần đầu tiên gặp Cha Peter tôi cảm thấy có cái gì đó rất gần gũi, thân thiết và đồng cảm…Rồi từ đó, với trách vụ là một Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể và là người hoạt động xã hội cho nhà thờ Sikiew nên tôi có dịp gặp cha Peter thường xuyên mỗi khi ngài vào trại. Hồi đó với chính sách siết chặt về kinh tế, bưng bít thông tin, cũng như 84 điều cấm kỵ do Bộ Nội Vụ Thái đưa ra để ép buộc thuyền nhân rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, rồi phải trở về quê hương nên cuộc sống ở trại Tị Nạn Sikiew vô cùng khó khăn. Trong cái khó khăn túng quẫn này, chính cha Peter Namwoong là niềm an ủi của nhiều người, là cái phao cứu vớt cho họ khi chìm đắm trong biển khổ mênh mông, là tia sáng chớp lòe trong đường hầm u tối, và là niềm hy vọng cuối cùng trong mảnh đời tỵ nạn.
Cuộc sống ở trại tỵ nạn Sikiew vô cùng khó khăn, hễ ai có thân nhân hải ngoại giúp đỡ thì còn lây lất sống qua ngày…Hầu hết còn lại là những người sống bằng sự trợ giúp của UNHCR với tiêu chuẩn: 3,5 ký gạo, 2 con cá bằng 2 ngón tay, 1 miếng thịt gà bằng nắm tay, chút ít rau xanh, chút muối, đường, nước mắm và một cây củi bằng cánh tay… phát cho mỗi đầu người trong một tuần (mỗi tuần phát 2 lần)…Còn nước mỗi người một thùng 24 lít xài trong một ngày cho mọi sinh hoạt ăn uống, tắm rửa, giặt giũ và… nước dội cầu…Trong hoàn cảnh khốn cùng này cha Peter đã thiết lập một Ban Xã Hội…chuyên đi phát quà cho những người nghèo khó. Những ai mà không có thân nhân hải ngoại giúp đỡ, thì cha cố gắng giúp cho một phần Mékong là 300 Baht để trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Vào dịp lễ lớn như Noel hoặc Tết Nguyên Đán, cha đã nhờ Hội Đồng Giám Mục Thái Lan can thiệp với Bộ Nội Vụ Thái cho cha Peter vào trại để giúp đỡ và dâng thánh lễ cũng như chung vui với mọi người trong cảnh đời đầy khốn khó của thân phận tỵ nạn. Riêng tôi, khi bị chuyển sang Khu A biệt giam (nơi giam những người chống đối hồi hương), cha vẫn hàng tuần vào khu biệt giam để ban phép Thánh và thăm hỏi mọi người. Vì là khu biệt giam nên mọi thông tin bị bưng bít, an ninh Thái bố ráp suốt ngày nên mọi người phải sống trong nơm nớp lo sợ bị cưỡng bức về Việt Nam.Trong hoàn cảnh đó, với trách vụ trong Ban Đại Diện Khu A biệt giam, tôi phải ra nhà cha để báo cho Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại biết về tình hình của Khu A biệt giam, cũng như gặp TS Nguyễn Đình Thắng để báo cáo về hiện trạng khó khăn của đồng bào Khu A biệt giam. Tôi trốn đi với cha Peter, nhưng sự việc không thành và tôi đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giam. Sau đó, cảnh sát đưa tôi ra nhà tù ở Quận Sikiew để làm thủ tục trục xuất (vì UNHCR và Bộ Nội Vụ Thái cho tôi là thành phần đấu tranh quyết liệt, nên họ muốn trục xuất tôi về Việt Nam để làm gương). Đang lo buồn thì cha Peter xuất hiện, tôi nhìn cha như một vị thánh đến để an ủi tôi trong lúc muộn sầu, cha mang cho tôi một giỏ đồ lớn với đầy đủ quần áo, chăn mền, khăn tắm và dụng cụ cá nhân…Thậm chí cả tiền bạc nhưng tôi không nhận vì sẽ bị đại bàng lấy hết…Cha nhìn tôi rươm rướm nước mắt, hai cha con trao đổi một hồi lâu rồi cha nói, cha sẽ tìm cách giúp tôi. Sau khi không đủ chứng cứ buộc tội tôi (vì theo Công Ước ký kết với Việt Nam, chính phủ nước tạm dung và Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, bất cứ ai đi sau ngày 14/2/1992 sẽ bị trục xuất về nguyên quán) cảnh sát Quận Sikiew đã đưa tôi vào lại trại tỵ nạn Sikiew và nhốt trong căn phòng u tối hơn một năm trời. Trong quãng thời gian này, vào mỗi Chúa Nhật cha Peter và thầy Thi đem Mình Thánh Chúa vào tận phòng giam trao cho tôi và một số em Thiếu Nhi Thánh Thể (bị tội trốn trại) cùng một số người bị nhốt chung. Hành động cha Peter vào tận phòng giam để trao bánh Thánh là hành động chưa từng có trong lịch sự tỵ nạn tại Thái Lan. Gần đến ngày bị cưỡng bức hồi hương, cha cho người đem lá thư vào phòng cho tôi với lời nhắn “ Con hãy đăng ký hồi hương, khi nào ra tới phi trường cha sẽ tổ chức cho con trốn”, lời nhắn nhủ của cha Peter tôi không thể làm được, và sau cùng tôi đã bị trói như một con chó rồi cưỡng bức về Việt Nam ngày 12/9/1996.
Sau khi bị cưỡng bức về Việt Nam, chính cha Peter đã đến nhà tôi thăm hỏi và muốn đưa tôi sang Thái Lan để phục vụ cho giáo hội, nhưng tôi đã không đi được vì nằm trong danh sách đen.
Không chỉ đối với trường hợp của riêng tôi, theo lời kể của Ls Trịnh Hội, khi một số đồng bào tỵ nạn Việt Nam ở Thái Lan được đi định cư tại Canada. Ls Trịnh Hội rất lo là làm sao để đưa một số người lên Bangkok mà không bị cảnh sát Thái bắt, bởi vì số người này không có giấy tờ hợp lệ? Cuối cùng, cha Peter Prayoon Namwoong đã mặc áo chùng thâm, tự lái xe của bệnh viện để đưa đám người tỵ nạn này lên Bangkok vượt qua hàng rào của cảnh sát Thái một cách an toàn. Không phải chỉ có thế, bạn bè của tôi rất nhiều người vượt trại được cha giúp đỡ khi trốn ra nhà cha ở Tòa Giám Mục Nakhorn Ratchasima. Như trường hợp của Hiếu (hiện đang ở Hoa Kỳ) vừa mới trốn ra nhà cha thì bị cảnh sát Thái bao vây, cha đã hốt hoảng kêu Hiếu nằm trong một chiếc xe tải nhỏ, rồi nhờ người làm lái xe vượt ra khỏi Tòa Giám Mục Nakhorn Ratchasima dưới sự bao vây của cảnh sát Thái, và rồi đưa Hiếu tới một trang trại người thân của cha ở Bangkok. Và rất nhiều trường hợp như thế, cha Peter đã xả thân để cứu con chiên trong cơn hoạn nạn. Khi qua Mỹ, tôi đã tiếp xúc rất nhiều người, từ những thời điểm khác nhau ở trại tỵ nạn Thái Lan, nhưng chưa hề nghe ai than phiền hoặc nói xấu về cha Peter, tất cả nhắc đến tên cha Peter Prayoon Namwoong như là một niềm hãnh diện khi được ở gần cha, có người buột miệng cha là ông Thánh đấy!
Đối với Cha Peter, khi giúp đỡ mọi người ngài không phân biệt tôn giáo, địa vị, hoặc giai tầng xã hội… Cứ ai đến với cha, là cha tận tình giúp đỡ…Suốt 5 năm gần gũi cha, tôi chưa thấy ngài than phiền, cau có, tỏ vẻ buồn bực hay tức giận bất cứ ai…Trên môi cha luôn nở nụ cười nhân ái, luôn hòa đồng với mọi người và sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai làm phiền cha. Đối với cha Peter, tất cả các tôn giáo khác đều gọi Lm Peter Namwoong bằng Cha, tiếng Cha ở đây thể hiện lòng kính trọng, ngưỡng mộ và cảm kích lòng quảng đại của vị bồ tát đã đem niềm vui đến cho mọi người.
Hằng tuần vào trại là cha đưa ra danh sách những người hải ngoại gửi tiền cho thân nhân ở trong trại, danh sách này đã được làm sẵn với địa chỉ người nhận và người gửi, cha cẩn thận đổi tiền Baht cho họ với giá cao (vì trong trại đổi tiền giá rất thấp). Sau đó, là danh sách gửi quà, thuốc men, sách báo…và sau cùng là danh sách những người nhờ cha mua đồ bên ngoài đề xài trong sinh hoạt hằng ngày như máy móc, radio cát xét, giầy dép quần áo…thậm chí cả gia vị, thực phẩm ăn uống…Mỗi tuần sau khi rời khỏi trại tị nạn, cha Peter liền đưa những danh sách này cho những người thân cận của cha đi mua giùm mà không tính tiền lời, thậm chí cha còn phải cho người đi mua một chút tiền để họ sốt sắng trong việc cha nhờ. Cha từng tậm sự với tôi nhiều lần, cha biết có những người làm việc với cha vì lợi ích bản thân, vì tư lợi cá nhân. Họ đã mượn danh cha để làm điều mờ ám…Có những người mượn cha rất nhiều tiền và mượn nhiều lần nhưng không bao giờ trả! Có những người lợi dụng lòng thương yêu của cha mà gạt gẫm. Thậm chí, có người cha đã ủy thác cho một số tiền rất lớn hàng chục ngàn đô la để phát cho đồng bào bị cưỡng bức hồi hương, nhưng họ đã ỉm đi mà không phát cho bất cứ ai. Những người này khi cha Peter qua Hoa Kỳ họ đều lẩn tránh và không muốn gặp cha…Tên tuổi những người này cha đều tâm sự riêng cho tôi khi mỗi lần qua Hoa Kỳ. Đặc biệt, tháng 8 năm ngoái 2017, tôi đã qua thăm cha Peter và đồng bào tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan, trên đường đi từ Bangkok về Nakhorn Ratchasima mất 9 tiếng đồng hồ (vì hôm đó là sinh nhật của Hoàng Thái Hậu Thái Lan nên kẹt xe khủng khiếp), cha và tôi đã hàn huyên tâm sự nhiều thâm cung bí sử của trại tỵ nạn Sikiew.
Nghe những điều này tôi mới hỏi cha, sao cha không đòi những người mắc nợ cha? Cha Peter chỉ cười và nói, họ muốn trả thì trả chứ cha không có đòi! Không những thế, có những tổ chức từ Mỹ về Thái Lan có mượn cha một số tiền để mướn văn phòng nhưng không bao giờ trả? Có gia đình người vợ bị ung thư vào bịnh viện của cha để chữa trị (vì cha là giám đốc bệnh viện Nakhorn Ratchasima), với tổng chi phí lên đến hơn 20 ngàn đô la nhưng không trả cho cha Peter một đồng nào hết, mặc dù họ đã được hải ngoại giúp đỡ một số tiền khá lớn khoảng gần 10 ngàn đô la. Oái oăm thay, sau khi đám tang người vợ xong, hai cha con mua 2 chiếc xe hơi chạy chơi (tất cả bill nợ bịnh viện và số tiền hải ngoại giúp đỡ chúng tôi đang giữ trong tay). Hơn thế nữa, có một số người tỵ nạn Việt Nam làm ăn ở Thái Lan, khi gặp tai nạn xe cộ họ vào bệnh viện của cha để xin được chữa trị nhưng họ lại không có một xu dính túi. Tất cả các chi phí cha phải gánh chịu nhưng cha không hề than phiền. Và gần đây, đã có người lợi dụng danh nghĩa của cha Peter Prayoon Namwoong, họ nói họ muốn giúp cha Peter và người tỵ nạn nhưng thực sự họ đã bêu xấu và vu oan cho người khác, làm cha phải đính chính và minh oan cho những người đã từng giúp đỡ cha và anh em tỵ nạn Việt Nam khốn khổ tại Thái Lan.
Từ biệt Cha Peter Namwoong ở bến xe Nakhorn Ratchasima, lòng tôi ngậm ngùi biết bao nhung nhớ, người cha già gầy gò phúc hậu đang nhìn theo tôi khi chiếc xe từ từ lăn bánh, tôi ngoái nhìn lại cha như mình sắp mất một cái gì đó quý giá nhất trên đời mà mình không bao giờ gặp lại, tự dưng lòng tôi nghẹn ngào nước mắt trào dâng, hình ảnh của vị thánh sẽ không còn ở gần tôi nữa nó cứ lan man trong trí óc, cứ vờn vờn bay trong lòng với những kỷ niệm da diết của quãng đời tỵ nạn, tôi thầm nghĩ người tỵ nạn Việt Nam ở Thái Lan nợ cha Peter nhiều lắm, nợ ân tình của một người cha đầy lòng nhân ái yêu thương, nợ ông chủ vì những lợi ích mà ông ta đã mang lại cho mọi người, nợ người mục tử đã hy sinh hết cả thân mình để bảo vệ đàn chiên, và nợ một người đầy lòng quả cảm đã hiến dâng thân mình cho đồng loại…nợ và mãi mãi nợ…Thánh nhân chẳng ở đâu xa, người vẫn quanh ta như hình với bóng, khi ta cần người luôn luôn giúp đỡ, khi ta lỡ bước người an ủi đỡ nâng và ngay cả khi ta trần truồng người vẫn cởi chiếc áo cuối cùng để cho ta mặc lúc trời đông gió rét…Những cử chỉ hành động và lòng nhân ái này chỉ có trong lòng cha Peter Prayoon Namwoong một vị thánh của thời đại ngày nay, một vị bồ tát đã cứu chúng sinh trong lúc nghặt nghèo và là một biểu tượng cho sự bác ái yêu thương.
Chúng con những người tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan muôn đời ghi nhớ.
California 13/7/2018,
Bạch Dương (Vũ Hoàng Hải)